Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, nhiều Đảng viên trong Đảng bộ huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã gương mẫu đi đầu trong công tác, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, trong đó có các đảng viên là người dân tộc thiểu số.
Bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Những năm trước đây, người dân chỉ canh tác truyền thống, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng, năng suất nông sản không cao; thêm vào đó khí hậu rất khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ xuống thấp, mây mù bao phủ, khoảng thời gian nông nhàn tương đối dài, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thấu hiểu những khó khăn của gia đình và người dân trong bản, Anh Sồng A Nhà, đảng viên Chi bộ bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ đã tiên phong trong việc phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Sồng A Nhà, bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ chăm sóc vườn chè của gia đình
Với suy nghĩ là đảng viên phải gương mẫu đi đầu, mình có làm tốt thì nhân dân mới tin tưởng, làm theo. Năm 2018, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, anh Nhà đã chủ động tìm hiểu, đưa các cây trồng phù hợp với điều kiện, khí hậu của địa phương về trồng; học hỏi thêm các phương pháp, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất tại gia đình, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, sau 5 năm, hiện nay gia đình anh Nhà đã có hơn 3ha với đa dạng các loại cây trồng có giá trị kinh tế như chè, mận, đào, rau, củ quả, quýt, bơ, hồng… mỗi năm, trừ chi phí cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng.
Anh Sồng A Nhà, bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ chăm sóc vườn rau trồng xen canh của gia đình
Đặc biệt, để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người chơi đào tết, anh Nhà đã học hỏi và áp dụng phương pháp chăm sóc, uốn tỉa, tạo thế cây đào. Ban đầu, anh cũng gặp rất nhiều khó khăn vì mỗi cây có một thế khác nhau, đòi hỏi sự tỉ mẩn và kỹ thuật cao trong việc uốn tạo thế của cây. Thế nhưng với niềm đam mê, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, khoảng đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, thương lái từ các tỉnh lân cận đã tìm đến vườn đào của anh Nhà đặt cọc mua đào về Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh phục vụ nhu cầu thưởng đào Tết của người dân. Năm 2022, gia đình anh cung cấp ra thị trường khoảng 400 gốc đào các loại với mức giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/gốc, trừ chi phí, anh thu lãi gần 200 triệu đồng.
Anh Sồng A Nhà, Chi bộ bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ nói: “Mình cũng là một người đảng viên, nên mình cũng phải gương mẫu trong phát triển kinh tế và tuyên truyền gia đình mình, rồi tuyên truyền bà con nhân dân trong bản cũng phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng các cây giống mới và bà con cũng làm theo, tiến bộ nhiều so với trước. Đối với gốc đào, trước mình chưa biết làm nhưng giờ mình có kinh nghiệm, mình tự nghiên cứu rồi biết uốn để bán, được giá hơn, có cây mình bán từ 1- 1,5 triệu, có cây bán được 2 triệu đồng”.
Anh Sồng A Nhà, bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ trao đổi cách chăm sóc cây đào với bà con trong bản
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, là người đảng viên, anh luôn tiên phong đi đầu trong các phong trào thi đua tại địa phương, gần gũi, lắng nghe ý kiến của nhân dân, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho người dân trong bản cùng phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Anh Giàng A Gióng, bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ cho biết thêm: “Đồng chí Sồng A Nhà đã mày mò, tìm hiểu rất nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, với kinh nghiệm vốn có đồng chí rất tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho các đồng chí trong chi bộ và bà con trong bản. Như gia đình tôi được đồng chí hướng dẫn, hỗ trợ về chăm sóc cây mận và cây đào nên hiện cây sinh trưởng và phát triển tốt đem lại thu nhập cao”.
Anh Sồng A Nhà, bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả
Ông Giàng A Phứ, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, cho biết: “Đồng chí Sồng A Nhà là đảng viên tiêu biểu trong chi bộ, trong một diện tích vườn cây của đồng chí cũng rất đa dạng nhiều cây trồng như hồng, bơ, chè, đào. Đây là mô hình phát triển kinh tế đảm bảo cho gia đình. Chi bộ cũng lấy mô hình của đồng chí để tuyên truyền cho bà con nhân dân để có những sản phẩm bán ra thị trường, phục vụ khách du lịch đến với địa phương”.
Hiện nay, Đảng bộ huyện Vân Hồ có 51 tổ chức cơ sở đảng với 3.084 đảng viên. Cùng với hàng trăm đảng viên tiêu biểu ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, bằng việc làm cụ thể, thiết thực của mình, đảng viên Sồng A Nhà đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, là tấm gương sáng cho đảng viên trẻ, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số học tập, làm theo./.